(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Chuyển đổi số trong bối cảnh CMCN 4.0 – xu thế không thể đảo ngược
Trong vài năm trở lại đây, cụm từ “chuyển đổi số” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Có thể hiểu, chuyển đổi số (digital transformation) là việc thay đổi căn bản mô hình, cách thức hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng các công nghệ số hiện đại nhằm tạo ra những cơ hội và giá trị mới.
Theo nghiên cứu của tập đoàn Microsoft về tác động kinh tế của chuyển đổi số tại châu Á Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số mang lại khoảng 6% GDP cho khu vực này. Dự báo đến năm 2021, con số này sẽ là 60%. Báo cáo cũng cho rằng trong 3 năm tiếp theo, 89% số việc làm trong khu vực sẽ được chuyển đổi. Chuyển đổi chứ không phải là thay thế, báo cáo nhấn mạnh. Bên cạnh những công việc đòi hỏi đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, có những việc làm mới sinh ra trong quá trình chuyển đổi số.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của CMCN 4.0 với sự ra đời của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR)… đang tác động sâu sắc tới toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội, dần thay thế phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động trên môi trường số. Có thể thấy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược. Những quốc gia, doanh nghiệp đứng ngoài xu hướng này sẽ không có cơ hội tiếp cận những tiến bộ, thành tựu mới và khó tham gia được vào chuỗi giá trị mới mà chuyển đổi số mang lại.
Thúc đẩy chuyển đổi số để vượt qua khó khăn do Covid-19 và phát triển bền vững hơn
Năm 2020, thế giới chứng kiến một đại dịch có sức ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ, làm gián đoạn hoạt động đi lại trên toàn cầu và chuỗi giá trị thương mại quốc tế. Phần lớn các quốc gia phải đóng cửa biên giới, áp dụng giãn cách xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), vào cuối tháng 4/2020 có 156 quốc gia đóng cửa biên giới và đến đầu tháng 9/2020 vẫn còn 93 quốc gia đóng cửa biên giới.
Trong bối cảnh đó, thế giới chứng kiến sự tăng vọt về nhu cầu kết nối trực tuyến để duy trì các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Các công cụ trực tuyến ngay lập tức phát triển mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi trong giao tiếp xã hội, các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, giao dịch thương mại… và dần trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội hiện nay.
Đặc biệt trong ngành du lịch, các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng nở rộ. Nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo.
Đối với ngành du lịch Việt Nam, trước tác động của dịch Covid-19, dự báo lượng khách quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm 80%, trong khi đó khách nội địa giảm 50%, thiệt hại 23 tỷ USD. Trong nỗ lực tái khởi động, phục hồi hoạt động du lịch, công nghệ số có đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử.
Trong thời gian qua, ngành du lịch đã chủ động triển khai những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chủ động tiếp cận CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế liên quan đến tư duy, nhận thức, hạ tầng công nghệ, trình độ nhân lực… cần được quan tâm có hướng từng bước giải quyết trong thời gian tới.
Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi ngành du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp then chốt để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của ngành du lịch. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Nguồn: vietnam-tourism.com